HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC NGOÀI CÔNG LẬP – NHIỀU LỖ HỔNG CẦN PHẢI LẮP

1. Đụng đâu sai đó

Những năm qua, y tế tư nhân đã góp phần không nhỏ vào việc chia sẻ gánh nặng quá tải với y tế công lập trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hệ thống y tế tư nhân được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, tuy nhiên, ngoài ưu điểm giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hơn, thì lỗ hổng trong công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập đã vô tình tạo điều kiện cho những vi phạm trong lĩnh vực này trở nên phổ biến và đến khi bị “gõ cửa” thì đụng đâu cũng có sai phạm.

Hình thức thanh tra đột xuất tại các cơ sở y tế tư nhân đã làm bộc lộ nhiều “sơ suất”-từ ngữ mà hầu hết các cơ sở khi bị đoàn “bắt lỗi” đều dùng để biện bạch cho mình. Tại thời điểm kiểm tra vào trung tuần tháng 11-2013, nhà thuốc Bình Dân-chuyên kinh doanh thuốc và các thiết bị y tế (số 562 đường Nguyễn Trãi, thành phố Bắc Ninh), chủ cơ sở xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng sai địa điểm, do cấp có thẩm quyền cấp nhưng không có Chứng nhận đủ điều kiện để hành nghề. Có lẽ do thời gian gần đây, nghe nhiều thông tin về việc thanh kiểm tra nên 2 nữ nhân viên trẻ tuổi tại cửa hàng chỉ nhận là người trông nhà giúp. Đoàn thanh tra lập biên bản yêu cầu chủ cơ sở đóng cửa, dừng hoạt động, đồng thời tháo dỡ các biển quảng cáo song theo như quan sát của chúng tôi, những ngày tiếp theo, cơ sở vẫn tiếp tục mở cửa, biển quảng cáo vẫn giữ nguyên vị trí.

Tại phòng khám Đa khoa Đào Bình-một phòng khám từng “nổi đình nổi đám” một thời cũng có ít nhiều sai phạm: Phòng khám vẫn hoạt động khi trưởng phòng khám vắng mặt mà không có giấy ủy quyền. Nhân viên làm việc tại phòng khám vượt quá phạm vi cho phép (kỹ thuật viên ký vào kết quả xét nghiệm trong khi theo quy định người có thẩm quyền ký phải là bác sĩ; phòng khám không có bác sĩ siêu âm nhưng việc siêu âm vẫn tiến hành; trong phạm vi hoạt động của phòng khám, quầy thuốc đang hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Sở Y tế cấp).

Phòng khám Ngọc Thủy (Khu biệt thự Đại Hoàng Long, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) khai trương từ 17-4-2011 và vẫn ngang nhiên hoạt động suốt gần 3 năm trong khi chưa được thẩm định nhưng đến thời điểm làm việc với đoàn thanh tra, ngoài Giấy phép đăng ký kinh doanh, thì cơ sở chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hành nghề (hay còn gọi là giấy phép hoạt động), và cũng chỉ có 4/6 nhân viên có chứng chỉ hành nghề. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở cung cấp các dịch vụ kỹ thuật: nội soi, siêu âm, X quang, xét nghiệm, khám sản phụ khoa. Đoàn thanh tra yêu cầu cơ sở tháo dỡ toàn bộ biển quảng cáo song cho đến thời điểm này, sau khi nhận quyết định đình chỉ và xử phạt hành chính 17,5 triệu đồng, biển quảng cáo và biển chỉ dẫn đến cơ sở vẫn trưng từ Quốc lộ 38 như… chưa hề có buổi thanh tra.

Tình trạng các cơ sở y tế treo biển tên một người, thực tế người khác quản lý dường như là chuyện “thường ngày” và rất phổ biến. Thậm chí một số chủ cơ sở từng là cán bộ công tác lâu năm trong ngành y tế, nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều vi phạm.

Phòng Xét nghiệm ngổn ngang và mất vệ sinh của một phòng khám tư

2. Bát nháo… phòng khám Răng

Cũng trong chương trình thanh, kiểm tra hành nghề y tế tư nhân, cơ sở Răng-Hàm-Mặt Cường Dung tại 170 Lê Phụng Hiểu, phường Vệ An, hoạt động từ năm 2010 nhưng chưa có giấy phép hoạt động. Cơ sở Răng thẩm mỹ Tuấn Hiển tại phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh) cũng không trình được bất cứ loại giấy tờ nào nhưng vẫn hành nghề 4-5 tháng tính đến ngày kiểm tra.

Thanh tra đột xuất tại phòng khám nha khoa Đông Đức (phố Lạc Vệ, huyện Tiên Du), trong khi chủ cơ sở là một bác sĩ theo biển treo vắng mặt nhưng cơ sở vẫn hoạt động. Tại đây có bệnh nhân đang khám và cả bệnh nhân chờ khám. Ông Nguyễn Huy Tính-người trực tiếp khám cho bệnh nhân khi đoàn đến nhưng tự nhận là chủ có nhà cho thuê và thừa nhận không có chứng chỉ, bằng cấp hay chuyên môn về y tế nói chung hay răng nói riêng. Hồn nhiên khoác áo blouse như thật nên bệnh nhân chờ khám cứ nhất nhất gọi ông Tính là “bác sĩ”. Lẽ thường, một sinh viên ngành Y sau 6 năm mài đũng quần trên ghế giảng đường, trải qua biết bao kỳ thi khắc nghiệt mới có được tấm bằng bác sĩ, vậy mà một số người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để “làm tiền” với chiếc áo blouse vốn rất cao quý. Anh Q.-một người dân sống ở khu vực này cho biết từng cho con gái đến nẹp răng tại cơ sở này và do ông Tính trực tiếp làm nhưng không biết trình độ của ông này thế nào. Dù sau khi tham khảo thì thấy giá cả ở đây cũng chẳng thấp hơn những cơ sở lớn nhưng vì gần nhà và ít phải chờ đợi nên vẫn đưa con đến làm.

Lỗi vi phạm tương tự cũng tồn tại ở cơ sở Răng-Hàm-Mặt Quang Huy (phố Và, thành phố Bắc Ninh). Tại thời điểm kiểm tra, người đang trực tiếp làm răng cho bệnh nhân cũng không xuất trình được giấy phép hành nghề. Khi các thành viên trong đoàn hỏi về việc học chuyên môn ở trường nào thì ông này cũng ấp úng không trình bày được.

Sự bát nháo ở các phòng khám Răng xuất phát từ thực tế tỷ lệ tai biến chuyên khoa này thấp. Đó cũng là lý do vì sao một số năm trở lại đây, các phòng khám răng xuất hiện nhan nhản ở thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, nhất là các khu đông dân cư và kinh tế phát triển. Ngày nay, ngay cả ở xóm xã, người dân cũng có thể tìm đến dịch vụ chăm sóc răng hết sức dễ dàng mà không bệnh nhân nào có thể kiểm định được bằng cấp, năng lực, tay nghề của người trực tiếp can thiệp đến sức khỏe, tính mạng của mình.

3. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo thống kê của Phòng Quản lý hành nghề Y Dược (Sở Y tế), toàn tỉnh có 2 bệnh viện đa khoa tư nhân và 153 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, 434 cơ sở hành nghề dược ở các loại hình công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý, chủ yếu tập trung ở thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn. Tuy nhiên, quá trình thanh kiểm tra tại các cơ sở cho thấy trên thực tế, số cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đang hoạt động lớn hơn nhiều con số này. Bên cạnh đó, thực trạng các cơ sở hành nghề không phép, cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, không niêm yết đầy đủ giá dịch vụ y tế, giá thuốc, hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép, biển hiệu quảng cáo không đúng với khả năng chuyên môn… là phổ biến. Ngoài nguyên nhân chính là chủ cơ sở coi trọng lợi nhuận, hiểu biết quy định của Pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập của một bộ phận chủ cơ sở cũng như người hành nghề còn hạn chế thì phải kể đến những yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này.

Lực lượng quản lý nhà nước mỏng, thiếu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lơi lỏng trong kiểm soát hoạt động y dược ngoài công lập. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng như hậu kiểm sau cấp phép chưa thường xuyên và việc xử lý vi phạm chưa đủ tính răn đe để ngăn chặn sai phạm. Chính quyền cấp xã, phường, thị trấn và đội ngũ nhân viên y tế cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong việc nắm bắt thông tin thì lại thiếu sự phối hợp trong quản lý hành nghề y-dược ngoài công lập.

Vấn đề hậu kiểm sau các đợt kiểm tra cũng đang là một trong những khó khăn trong công tác quản lý hành nghề y-dược ngoài công lập bởi ý thức của chủ cơ sở về việc thực hiện các quy định rất yếu kém. Nhiều cơ sở sau thanh, kiểm tra thì dường như mọi việc đâu vẫn đóng đấy!

Có một thực tế là đội ngũ y bác sĩ hiện đang công tác trong các cơ sở y tế công lập hành nghề ngoài giờ là khá phổ biến. Họ cũng là chủ đầu tư hoặc góp vốn để kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nói kinh doanh bởi với các phòng khám mở ra thì lợi nhuận thường phải là tiêu chí hàng đầu, và vì mục tiêu đó, uy tín và cái “mác” của ngành Y đã bị nhiều người kém y đức lợi dụng để móc tiền của bệnh nhân. Đáng buồn và nguy hiểm hơn chính là có cả những người không được đào tạo, không có chuyên môn vẫn hồn nhiên “phục vụ” người bệnh hết sức tận tình!

Một trong những giải pháp được Sở Y tế Bắc Ninh đưa ra nhằm chấn chỉnh và quản lý hoạt động hành nghề y-dược ngoài công lập là cần có sự phối hợp, thống nhất với chính quyền địa phương khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tổ chức, cá nhân, đối với loại hình ngành nghề kinh doanh có điều kiện về hành nghề y-dược thì cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo danh sách các cơ sở được cấp đăng ký kinh doanh về Sở Y tế, Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Thiết nghĩ, nếu việc kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên và có sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Y tế với các địa phương thì công tác quản lý hành nghề y-dược tư nhân đã không có nhiều lỗ hổng như hiện nay. Có lẽ bây giờ, ngoài việc chấn chỉnh kịp thời thì quản lý chặt hoạt động này ngay từ khi thẩm định cấp giấy phép, thanh kiểm tra thường xuyên là một biện pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những “biến chứng”, cũng là một cách để tránh hậu quả câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0989085059